CÁC ĐIỂM DU LỊCH Ở BẮC GIANG
BẮC GIANG
Diện tích: 3.827,4 km²
Dân số: 1.594,3 nghìn người (năm 2006)
Tỉnh lỵ: Thành phố Bắc Giang
Các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hoà.
Dân tộc: Việt (Kinh), Nùng, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa, Tày…
Điều kiện tự nhiên
Bắc Giang là tỉnh ở miền trung du và giáp với châu thổ đồng bằng Bắc bộ. Phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây và tây bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía nam và đông nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Địa hình gồm có đồng bằng, trung du, miền núi.
Khí hậu: chia làm 2 mùa: mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3; mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ trung bình năm 24ºC.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Bắc Giang là một vùng có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử như rừng cấm nguyên sinh Khe Rỗ, khu di tích Suối Mỡ, di tích thành Xương Giang… Nhiều hồ chứa nước lớn tạo nên phong cảnh kỳ vĩ, phát triển được tiềm năng du lịch như hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần.
Bắc Giang là một tỉnh vừa có truyền thống lễ hội văn hoá của đất Kinh Bắc, vừa có hội xuân của các dân tộc ít người.
Giao thông
Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều tương đối thuận tiện.
Đường sắt: Từ Bắc Giang có thể về thủ đô Hà Nội, lên Lạng Sơn, sang Thái Nguyên và vùng công nghiệp mỏ Quảng Ninh.
Đường bộ: Thành phố Bắc Giang cách trung tâm Hà Nội 51km. Hệ thống đường bộ thuận lợi có quốc lộ 1A chạy qua. Nhiều tuyến tỉnh lộ và huyện lỵ.
Đường thuỷ: Tỉnh Bắc Giang có nhiều sông lớn (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) chảy qua tỉnh, thuận tiện cho vận tải đường sông, góp phần tưới tiêu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, du lịch.
THÀNH CỔ XƯƠNG GIANG
Vị trí: Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15.
Các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông – Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc – Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây. Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện oanh liệt ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn đánh giá:Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy (theo Đại Việt thông sử).
Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng.
RỪNG NGUYÊN SINH KHE RỖ
Vị trí: Khu rừng cấm thuộc xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Rừng cấm nguyên sinh Khe Rỗ có diện tích 7.153ha với hệ thống động thực vật phong phú.
Khu rừng có 236 loài thực vật, cây lấy gỗ, 255 loài dược liệu quý, 37 loài thú, 73 loài chim, 18 loài bò sát, đặc biệt có 7 loài thuộc loại động vật quý hiếm. Có nhiều dòng suối nước trong vắt, chảy quanh co uốn khúc qua rừng. Đây là một khu rừng cấm nguyên sinh còn giữ được vẻ hoang sơ rất thích hợp cho du khách tham quan và nghiên cứu.
ĐÌNH THỔ HÀ
Vị trí: Đình Thổ Hà thuộc làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Đây là ngôi đình cổ được dựng vào đời Lê Hy Tông trên khu đất rộng 3.000m2 có nhiều cây cổ thụ xung quanh.
Đình được dựng theo kiểu chữ công, toà bái đường dài 27m, rộng 16m, dựng trên nền cao 0,5m xung quanh bó đá tảng xanh chia làm ba cấp, mái đình lợp ngói mũi hài to bản, bốn góc là những đầu đao cong vút. Đầu bờ nóc uốn quanh hình lưỡi liềm, góc mái có gắn nghê, thú nhỏ bằng sành nung già lửa đỏ tía. Có tất cả 22 đầu bẩy lực lưỡng, chạm rồng, mây, nghê, thú rất trau chuốt. Bái đường chia làm 7 gian, 48 cột lim, bộ khung mái chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động.
Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ trong tư thế cưỡi phượng, đè rồng, hoặc đang nhảy múa giữa các lớp mây bồng bềnh. Lòng bái đường lát đá xanh nhẵn bóng. Bức cửa võng thếp vàng chạm trổ lộng lẫy làm cho bái đường càng thêm trang nghiêm cổ kính. Theo tấm bia cổ để lại, đình Thổ Hà là kết quả công sức đóng góp của toàn thể dân làng Thổ Hà. Ngôi đình là công trình thể hiện niềm tự hào của các thế hệ người dân Thổ Hà.
CHÙA ĐỨC LA
Vị trí: Chùa Đức La nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, thuộc xã Trí Yên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Chùa Đức La còn có tên gọi là chùa Vĩnh Nghiêm, đây là một trung tâm Phật giáo từ thời Trần thuộc thiền phái Trúc Lâm, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước.
Kiến trúc chính của chùa nằm trên một trục dọc, hướng đông nam gồm 4 khối lớn.
Khối thứ nhất gồm 3 nếp chùa hộ, thiêu hương và chùa Phật liên kết với nhau trong một khối kiến trúc kiểu chữ công với thiết kế khang trang to lớn kiểu tàu đao lá mái với 4 đao cong, có 8 vì kèo, kiểu chồng rường, thượng tam hạ tứ, nghệ thuật đơn giản.
Khối kiến trúc thứ hai cũng làm theo kiểu chữ công nhưng thấp và nhỏ hơn gọi là nhà tổ đệ nhất có kiến trúc đơn giản nhưng vẫn còn dấu vết của trang trí thời Lê.
Khối thứ ba là gác chuông cao 2 tầng mái và khối thứ tư là nhà tổ đệ nhị, kết cấu kiểu chuôi vồ.
Hơn 7 thế kỷ trôi qua, chùa Đức La vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước. Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn, là hiện vật minh chứng cho vai trò quan trọng của chùa, từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm.
ĐỀN SUỐI MỠ
Vị trí: Đền Suối Mỡ thuộc khu di tích suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện LụcNam, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Đền Suối Mỡ gồm 3 ngôi đền Hạ, Trung và Thượng kế tiếp nhau qua đoạn suối dài, thờ chung Thượng Ngàn Thánh Mẫu (Công chúa Quế Mỵ Nương đời vua Hùng thứ16).
Tương truyền Quế Mỵ Nương là người đã có công mở thác Vực Mỡ đưa nước về cho dân khai hoang trồng trọt, lập làng xóm. Đền Thượng nằm ở lưng chừng núi Vực Mỡ, đối diện có núi Hang rất cao, cây cối um tùm xanh mát quanh năm. Từ đây trở xuống suối Mỡ rộng dần, có nhiều thác lớn nhỏ. Đền Trung nằm ở hữu ngạn dòng suối này, trong không gian rộng rãi thoáng mát. Cạnh đó là dòng nước suối trong lành róc rách chảy suốt tháng ngày đổ ra cửa đền Hạ. Đây là ngôi đền có quy mô lớn, thu hút nhiều khách thập phương về lễ đền. Đặc biệt khi đến đây, du khách sẽ không thể quên hình ảnh 5 ngọn thác luôn đổ nước trắng xóa. Theo truyền thuyết, đó chính là 5 ngón tay của Công chúa Quế Mỵ Nương khi ấn nhẹ sẽ tuôn ra dòng nước mát tưới cho đồng ruộng tốt tươi.
KHU DU LỊCH KHUÔN THẦN
Vị trí: Từ Bắc Giang đi ngược lên vùng Đông Bắc 40km (phốChũ) rồi rẽ trái 10km là tới khu du lịch Khuôn Thần thuộc địa phận huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Diện tích hồ Khuôn Thần rộng 240ha, xung quanh là dãy núi được phủ xanh, chủ yếu là thông.
Lòng hồ có 5 đảo nhỏ được trồng thông xanh có tuổi từ 15-20 năm. Diện tích rừng Khuôn Thần khoảng 700ha, trong đó rừng tự nhiên là 300ha, rừng thông 400ha. Xung quanh khu du lịch Khuôn Thần là vườn cây đặc sản: vải Thái Lan, vải thiều, hồng, na… Tại đây còn có đền Từ Mã thờ danh tướng thời Trần đã được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa.
Du khách đến đây có thể cắm trại, dạo chơi trên hồ bằng thuyền đạp chân hoặc thuyền máy, thưởng thức những sản phẩm địa phương như mật ong, rượu tắc kè, hạt dẻ…và tham dự các buổi sinh hoạt văn hóa với dân địa phương.
HỒ CẤM SƠN
Vị trí: Hồ Cấm Sơn thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Hồ Cấm Sơn là nơi tham quan nghỉ mát hấp dẫn.
Bình thường mặt hồ rộng 2.600ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng tới 3.000ha. Chiều dài hồ gần 30km, bề ngang nơi rộng nhất 7km, chỗ hẹp nhất 200m.
Xung quanh hồ là những dãy núi cao bao bọc, hay nói một cách khác, bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng và cây cao bóng cả.
Với những dự án quy hoạch xây dựng xung quanh khu vực hồ Cấm Sơn, không bao lâu nữa, Cấm Sơn sẽ trở thành nơi tham quan nghỉ mát hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch: bơi thuyền, leo núi, câu cá, đi bộ vào các làng xóm của đồng bào dân tộc, hay đi chơi rừng…
KHU DI TÍCH SUỐI MỠ
Vị trí: Khu di tích suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương, huyện LụcNam, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Khu du lịch với phong cảnh thiên nhiên kỳ thú. Nơi đây có đền Suối Mỡ – nơi thờ bà chúa Thượng Ngàn (công chúa Quế Mỵ Nương đời vua Hùng thứ 16).
Suối Mỡ từ lâu đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Đến đây, du khách không chỉ ngắm nhìn những con suối chảy róc rách mà còn khám phá khung cảnh thiên nhiên kỳ thú được bao bọc bởi những dãy núi trải dài trùng điệp.
Nếu như cái nắng nóng của đoạn đường đi đến suối Mỡ khiến du khách cảm thấy mệt mỏi thì không khí thoáng đãng của núi rừng ngay khi đặt chân đến đây sẽ xua tan mệt mỏi để thay vào cảm giác thư thái, dễ chịu. Men theo con đường uốn lượn dẫn vào suối, du khách có thể chiêm ngưỡng cả một dãy núi non hùng vĩ. Trên những dãy núi này, những loại cây như tùng, bách, thông được trồng xen kẽ tạo thành một thảm cỏ xanh. Đường đến suối Mỡ được lát bê tông phẳng phiu tạo thành những bậc thang rất dễ đi. Song song với con đường này, một lối đi khác được tạo ra bởi nhiều vách đá sẽ thích hợp với những du khách ưa mạo hiểm. Vào mùa mưa, những vách đá này thường rất trơn nên ít du khách chọn lối đi này. Đa phần du khách chọn lối đi bách bộ men theo sườn núi.
Trên những sườn núi xuất hiện những mái nhà lá được xây dựng rất đơn sơ nhưng là điểm dừng chân thú vị. Tại đây, du khách sẽ được uống những ngụm nước vối thơm mát, được thưởng thức những loại hoa quả đặc sản nơi đây như mít, vải, dưa hấu… Và điều đặc biệt là được ngắm nhìn vạn vật từ trên cao, được bao quát toàn bộ núi rừng của suối Mỡ. Vượt qua hết những dãy núi, tiếp bước du khách sẽ là những con suối rất trong và mát càng khiến du khách quên đi cái nắng nóng gay gắt của những ngày hè oi ả. Nguồn nước suối ở đây từ bao đời nay đã góp phần không nhỏ trong cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh do thiên nhiên ban tặng, đến tham quan suối Mỡ du khách còn như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh với những ngôi đền, chùa nằm tĩnh tại trên những mỏm núi.
Đền Suối Mỡ bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ. Từ đền Hạ đến đền Thượng đi bộ khoảng 1 giờ, đi theo suối phải mất 2 giờ. Phong cảnh hữu tình, dòng nước tung bọt trắng xoá càng hấp dẫn du khách.
Nguồn: Tổng cục du lịch ViệtNam
Võ Nhật Trường @ 14:43 07/01/2015 Số lượt xem: 647