Du Lịch Cộng Đồng Ở Hội An

Hoài Phố đêm hội ảnh:Thanh Tùng

Nhiều năm qua, sự tham gia trực tiếp của cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân Hội An trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đã tạo nên những sắc thái mới cho ngành du lịch địa phương.

Tháng Du lịch Hội An – Cảm xúc mùa hè lần này là hoạt động cao điểm của Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2006 diễn ra tại Hội An. Gần 20 chương trình chính trong tháng 6, tháng thấp điểm của du khách quốc tế nhưng cao điểm của khách nội địa, đã góp phần tạo nên một sức hút mới đối với du lịch Hội An.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, có gần 950.000 lượt khách đến Hội An trong dịp này. Tháng du lịch trùng với thời điểm diễn ra Festival Huế nhưng lượng khách vẫn đến Hội An đông như vậy chứng tỏ nó có hấp lực lớn đối với khách nội địa.

Kết thúc Tháng Du lịch Hội An – Cảm xúc mùa hè

Đêm hôm qua (29/6) Tháng Du lịch Hội An – Cảm xúc mùa hè đã khép lại với chương trình “Trang phục Hội An – Ký ức thời gian” và “Thời trang du khách”.

Sàn diễn vẫn là phố cổ với khoảng 120 đường phố và một sân khấu hình tròn thô mộc lắp ghép nhanh ở giữa ngã tư đường Lê Lợi – Nguyễn Thái Học. Đêm thời trang trình diễn 3 bộ sưu tập. Sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật thời trang Đồng Nai trình diễn bộ sưu tập của mình: “Ký ức thời gian”.

Những diễn viên quần chúng của Hội An trình diễn bộ sưu tập “Màu của đất và phố” của nhà may Thu Thủy (Hội An). Câu lạc bộ thời trang Thanh niên Đà Nẵng trình diễn bộ sưu tập “Thời trang bốn mùa” của nhà may Yaly (Hội An).

Một lần nữa Ký ức Hội An lại tái hiện với những hình ảnh thân thiết trong sinh hoạt, cuộc sống làm ăn buôn bán trên phố cổ mà sắc màu thời trang là cái hồn nổi lên rực rỡ.

Sự thành công của du lịch Hội An là do chính quyền Hội An xác định doanh nghiệp và nhân dân là chủ thể xây dựng sản phẩm, từng bước trở thành “chủ nhân” của mọi sản phẩm du lịch.

Dù đã có thông tin trong năm tới, chính quyền sẽ không tổ chức các chương trình như Hành trình di sản, Tháng Du lịch Hội An – Cảm xúc mùa Hè… nữa, nhưng giới doanh nghiệp và người dân Hội An rất đồng tình khi đã đến lúc Nhà nước không “bao thầu” lễ hội mà chuyển qua một bước chọn lọc, nâng cấp một số sản phẩm có chất lượng và “bàn giao” hẳn về cho cộng đồng.

Ông Trương Văn Bay – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hội An cho biết: “Những năm qua, các chương trình du lịch được tổ chức đều hướng đến nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp địa phương.

Thực tế, nếu không có nhân dân và các doanh nghiệp cùng tham gia, chính quyền làm thật nhiều lễ hội cũng không dễ đạt được mục đích. Vì vậy, không riêng gì Tháng Cảm xúc mùa hè, ngay từ đầu Năm Du lịch quốc gia, chúng tôi đã lấy các sinh hoạt cộng đồng đậm nét văn hóa dân gian làm chất liệu chính để xây dựng sản phẩm lâu dài”.

Khả năng hưởng thụ và sáng tạo của quần chúng được khơi dậy qua các lễ hội nghề nghiệp, làng nghề truyền thống, các chương trình du lịch cộng đồng như tour: Hội An quyến rũ, Một thoáng Kim Bồng, Một ngày làm cư dân phố cổ…

Dù một số hoạt động đã không được tổ chức vào giờ chót hay một số chương trình chất lượng chưa đạt yêu cầu nhưng nhiều doanh nghiệp đã mang đến một loạt các chương trình nằm ngoài kế hoạch và tạo được ấn tượng như Lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sôi động cùng World Cup.v.v. Du khách tham dự hoạt động này khá đông đảo là một tin vui cho những người tổ chức, trong đó có cả du khách quốc tế.

Ngành du lịch Hội An đang từng bước chuyển mình theo hướng du lịch cộng đồng. Cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân sẽ đi những bước vững chắc, khôi phục lại chính “không gian, thời gian thiêng” của mình.

Thanh Tùng

Độc Đáo Du Lịch Cộng Đồng Ở Hội An

Bài và ảnh: Quốc Hải

Theo “nghề của chàng”

Vốn là một ngư dân gắn bó với biển hơn 50 năm qua, ông Đoàn Tân ở phường Cẩm An – TP. Hội An chuyển sang lái ghe bầu để du dưỡng một niềm vui mới trên sông cùng du khách. Ông đang chở đoàn khách Bắc Âu du ngoạn trên đoạn sông Thu Bồn suôi về Cửa Đại.

Trước đó, du khách đã cùng ông ghé qua làng rau truyền thống Trà Quế ở Cẩm Hà bằng xe đạp rồi thong thả về ngồi thuyền đón gió. Ông nói một cách dân dã: “Ghé có tí mà mùi é quế còn đọng trong hốc mũi, khách cũng cảm thấy rứa chứ chẳng chi tôi. Chừ họ cũng chơi sông cất rớ, vãi chài cùng “nghề của chàng” đó !”.

Đỡ khách xuống ghe bơi, ông Tân chỉ cái rớ do con ông đang cất ở quãng sông gần rồi tay chân quàng lấy lưới chài vãi ra ngoài không gian như chụp lấy nước và những con cá bóng. Ghe bơi chòng chành làm khách lo đỏ mặt, riêng ông vẫn tự nhiên như chơi, yêu cầu khách mặc áo phao rồi dạng chân bày vẽ cách làm.

Vị khách có cái tên giống ca sĩ – Connie Francis cười như giữa chốn không người khi vãi chẳng thẳng tay, lưới mắc mớ lung tung bùng nhùng. Anh nói: “Lần đầu tiên trong đời tôi, nhưng hình như ngàn năm trước tổ tiên tôi cũng đã đánh cá bằng cách này. Thật vui và khó quên!”

Một ngày sống đời sông nước

Khúc dạo đầu của một ngày cùng sống với cư dân Hội An đã diễn ra “thật vui và khó quên” như thế. Connie Francis cùng đoàn khách tiếp tục được đưa đến khu rừng dừa Bảy Mẫu. Thuyền dừng trước khúc sông giăng đầy đăng đó rồi mời khách xuống thúng chai. Với sự giúp đỡ của 8 người dân Cẩm Thanh, mọi người học cách lắc lư với thúng vào sâu bên trong từng ngóc ngách của rừng dừa.

Du khách vô cùng thích thú với những con nha, cáy, học trò bò trên bẹ dừa hay dọc biền bờ. “Tôi câu được một con giống con cua có cái càng nhỏ màu đỏ. Không biết tên gọi là gì nhưng chân nó chạy nhanh lắm. Học được cách câu thật hay giữa mênh mông sông nước này!”, Barry Mann, du khách Na Uy, kể.

Trước khi trở lại thuyền lớn, 8 chiếc thúng đã làm náo động cả một khúc sông thông qua một cuộc đua lắc. Sau đó, họ học cách làm gương, đồng hồ và con cào cào bằng lá dừa.

Vừa hướng dẫn khách cách làm các loại trò chơi dân gian này, Trần Văn Mãnh vừa hát một cách say sưa những bài dân ca sông nước. Anh nói: “Khi nào có đoàn khách đến là tôi hát, hát những giai điệu thân quen, dân dã của quê hương. Chưa chắc tôi hát hay nhưng khách chú ý nghe lắm!”

Có một Hội An mới

“Trong nỗ lực làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Hội An, “Fish & Chip” ra đời như là một cách để khám phá, trải nghiệm đời sống gần hơn, lạ hơn bằng chính những giá trị lao động thường nhật”.

Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Trung Tâm Lữ Hành Hội An – nói: “Trước đây, chúng tôi xây dựng chương trình “Một ngày làm cư dân phố cổ”, đến giờ đã định hình và có thương hiệu. Tuy nhiên, trong nỗ lực làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm thì “Fish & Chip” ra đời như là một cách để khám phá, trải nghiệm đời sống gần hơn, lạ hơn bằng chính những giá trị lao động thường nhật”.

Thực tế, để chuyển tải nội dung chương trình, đặc biệt là đưa hoạt động hát hò khoan cùng trò chơi dân gian đến với du khách, Hội An Travel đã trắc nghiệm cả không gian và thời gian tâm lý của từng thị trường du khách. “Tìm sản phẩm mới cho du lịch Hội An là điều rất khó, tuy vậy, nỗ lực của doanh nghiệp làm mới bằng cách đầu tư có chiều sâu là cách làm đáng ghi nhận”, bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng Phòng TM-DL Hội An nhận định.

Đa Dạng Du Lịch Cộng Đồng Hội An

Thứ năm – 18/01/2023 21:09

Trong những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng ở Hội An đã góp phần cải thiện sinh kế, mang lại lợi ích cho người dân. Lãnh đạo thành phố đang chủ trương đa dạng các điểm du lịch này để đẩy mạnh phát triển du lịch Hội An trong thời gian đến.

Du khách thích thú xem ngư dân lắc thúng chai khi khám phá đời sống sông nước ở rừng dừa Cẩm Thanh. Ảnh: ĐỖ HUẤN

Người dân hưởng lợi

Hình thành sớm và tạo được sản phẩm đặc sắc là mô hình du lịch cộng đồng ở các làng nghề truyền thống như: rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng. Du khách rất thích thú khi được đến những nơi này, hòa vào cuộc sống thực tại của người dân, được xới đất trồng rau, nhào đất chuốt gốm, cưa xẻ gỗ… và tìm hiểu nét đẹp văn hóa làng nghề như nếp ăn ở, truyền dạy nghề, các ngày hội lễ tổ nghề, lễ cầu mùa, cầu an… Ở Cù Lao Chàm, loại hình này bắt đầu triển khai từ năm 2009 với mô hình lưu trú cùng dân (homestay) ở Bãi Hương, đến nay đã lan rộng đến các cụm dân cư trên đảo. Hơn 3 năm qua, mô hình du lịch cộng đồng tiếp tục mở rộng đến 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông (xã Cẩm Thanh) với loại hình du lịch sinh thái gắn với rừng dừa nước và hệ sông lạch vùng hạ lưu Thu Bồn cùng một số khu vực khối Thanh Tây, An Mỹ, Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu)…

Ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho biết: “Những năm gần đây, thành phố có chủ trương đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Thay vì phát triển du lịch cao cấp như trước đây, những năm qua Hội An cho phát triển rất nhiều loại hình lưu trú trong dân, homestay rất phát triển, kể cả biệt thự du lịch ở các vùng ven”. Thời gian qua, UBND TP.Hội An và các ngành đã xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển cơ sở lưu trú, quản lý và khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cho khu vực biển – đảo – làng quê; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị sinh thái – nhân văn của từng địa phương, gắn với đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và được hưởng lợi từ du lịch. “Trước đây, với bản chất của người nông dân, bỏ tiền ra đầu tư người ta cẩn thận suy tính từng đồng, nên vấn đề tiếp cận du lịch có bước chậm nhất định. Nhưng đến hôm nay, xác định được tiềm năng lợi thế và nguồn lợi thu nhập từ lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, người dân đã mạnh dạn đầu tư vốn tự có và các vốn tín dụng khác để làm du lịch và một số dịch vụ khác phụ trợ cho lĩnh vực lưu trú, rồi kết hợp với nhau để tổ chức tour tuyến. Đặc biệt Cẩm Thanh đã hình thành các tổ du lịch cộng đồng để nâng cao thu nhập cho người dân” – ông Lê Thanh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, chia sẻ.

Khơi dậy nguồn lực tại chỗ

Song song với phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thời gian qua chính quyền TP.Hội An tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn tài nguyên, bởi đây là vốn quý để sinh lợi. Đồng thời tiến hành các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ để cộng đồng dân cư thực sự là chủ thể các hoạt động du lịch tại chỗ. Ngoài ra, chính quyền còn khuyến khích cộng đồng dân cư xây dựng mô hình lưu trú homestay và các cụm homestay, đặc biệt là ở các làng nghề, làng quê sinh thái; khuyến khích gắn kết tổ chức chương trình du lịch với các dịch vụ cộng đồng nhằm tạo việc làm, thu hút lao động và cải thiện thu nhập ngay tại cộng đồng. “Kể từ khi có chính sách, gia đình tôi đã mở homestay được 4 năm. Cuộc sống so với trước đây làm nghề biển thì được trang trải thoải mái hơn, công ăn việc làm cũng nhẹ nhàng hơn, lại có thể tạo việc làm cho lao động trong khu dân cư” – ông Trần Văn Tài, chủ một cơ sở homestay ở An Bàng nói.

Tiềm năng, thế mạnh du lịch cộng đồng ở Hội An không chỉ dừng lại như hiện tại và sức hấp dẫn còn lớn hơn khi biết khơi dậy nguồn lực tại chỗ, phát huy bản sắc. Lãnh đạo thành phố đã và đang tạo cơ chế phù hợp để hình thành thêm và đa dạng hóa các điểm du lịch cộng đồng theo đặc trưng của địa phương như: làng du lịch biển An Bàng (Cẩm An), làng nông nghiệp An Mỹ (Cẩm Châu), làng nghề sông nước Vạn Lăng, làng rau hữu cơ Thanh Đông, làng dừa nước Thanh Nhứt, Thanh Nhì (Cẩm Thanh), làng chài Bãi Hương (Tân Hiệp), làng cá Cửa Đại, làng bắp Cẩm Nam, làng vườn phố Thanh Nam Đông, Thanh Nam Tây (Cẩm Nam), làng cây cảnh An Phong (Tân An), làng hoa, quật cảnh Cẩm Hà… “Sắp tới, thành phố sẽ mở rộng những quy định để tạo điều kiện tối đa cho các chủ hộ kinh doanh cũng như doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh hơn nữa nhằm đem lại lợi ích cho nhiều người dân nhất” – ông Trần Ánh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An nói.

Tuy vậy, để phát triển bền vững, du lịch cộng đồng ở Hội An cần gắn kết hài hòa giá trị nguồn tài nguyên nhân văn và tài nguyên văn hóa vốn dồi dào và phong phú. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí của cộng đồng dân cư – chủ thể hoạt động của loại hình du lịch này. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần tạo ra mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cộng đồng dân cư trong việc giới thiệu thị trường, quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ năng hoạt động, khắc phục tình trạng tự phát, cục bộ, chạy theo lợi nhuận mà bất chấp môi trường sinh thái và văn hóa.

ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Hội An Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng

Di sản đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đã trở thành một “thương hiệu” du lịch nổi tiếng. Nhưng TP.Hội An không chỉ có khu phố cổ, mà còn có các vùng phụ cận giàu tiềm năng du lịch, bao gồm đủ cảnh quan sông – biển – đảo – làng nghề. Để giảm áp lực du khách cho khu phố cổ, đồng thời chia sẻ lợi ích cho cộng đồng người dân vùng ven, Hội An đã phát triển các mô hình du lịch mới mang đậm tính cộng đồng.

Du lịch cộng đồng hình thành sớm ở Hội An và tạo được sản phẩm đặc sắc ở các làng quê, làng nghề truyền thống. Nắm bắt xu hướng ưa thích du lịch sinh thái, nhân văn, người dân xã Cẩm Thanh – vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên thế giới Cù Lao Chàm – đã bắt tay làm du lịch từ nhiều năm qua, đem lại đời sống mới cho vùng quê này. Hiện nay, Cẩm Thanh đã xây dựng được tổ du lịch cộng đồng với 30 người và 30 thúng chai với nhiều hoạt động dịch vụ cho du khách tham quan như tour một ngày làm nông dân, tour xe đạp, tour một ngày làm ngư dân… Du khách đến đây có thể cùng ăn, ở, sinh hoạt, tham gia văn nghệ với người dân: Hát hò khoan, đối đáp, hát trạo, du thuyền câu cá trong rừng dừa nước và còn được người dân hướng dẫn làm các sản phẩm nghề truyền thống. Vào mùa du lịch cao điểm, mỗi ngày hàng ngàn lượt du khách từ Hội An đến với Cẩm Thanh chứng tỏ sức hấp dẫn của điểm du lịch này.

Làng Trà Quế (xã Cẩm Hà) là nơi tập trung 220 hộ dân chuyên canh rau với chừng 40ha đất canh tác, đã nổi danh từ lâu với các loại rau thơm. Khi nhu cầu khách tham quan làng rau đã trở thành thực tế, người dân Trà Quế đã biết kết hợp với các Cty lữ hành tổ chức tour “Một ngày làm cư dân phố cổ với nghề trồng rau” thu hút khá đông khách nước ngoài tham gia. Du khách đến đây được hướng dẫn những kỹ thuật canh tác và tự mình cuốc đất trồng rau, gánh nước tưới rau và học cách chế biến các món ăn từ sản phẩm rau tại làng nghề. Qua gần 8 năm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, làng rau Trà Quế đã thành điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng đông du khách. Ngoài nguồn thu nhập từ rau mỗi năm lên đến hàng tỉ đồng, du lịch cũng đem lại nguồn lợi tức đáng kể.

Điều đáng nói ở đây là từ những công việc bình thường, những người nông dân cần cù và mến khách đã đem lại một cái nhìn tích cực về đất nước Việt Nam, khiến du khách lưu luyến mỗi khi rời xa và thầm hẹn một lần trở lại… Du khách đến Hội An cũng không quên các điểm du lịch làng nghề nổi tiếng như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà…, nơi họ được người dân hướng dẫn học nghề và tự tay làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống.

Du Lịch Cộng Đồng Ở Lào Cai.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch cộng đồng từ rất sớm, Lào Cai là một trong những tỉnh đâu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Sa Pa với sự hỗ trợ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (1998) và Tổ chức bánh mỳ thế giới (2006).

Sau khi đi vào vận hành, hai mô hình này đã chứng minh là hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hoa bản địa. Trên cơ sở bài học thành công của mô hình du lịch cộng đồng tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với một số tổ chức trong và ngoài nước như: Tổ chức phát triển Hà Lan – SNV Việt Nam, Trường Đại học vùng Vancouver Canada, Viện đại học mở Hà Nội, Dự án EU, Tổ chức REACH nhân rộng loại hình du lịch cộng đồng tại các huyện: Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát.

Du lịch cộng đồng cũng tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc Lào Cai. Tổ chức Craft Link đã hỗ trợ bà con dân tộc Dao (Tả Phìn) và Mông (San Sả Hồ) thuộc huyện Sa Pa phát triển Câu lạc bộ thổ cẩm, tạo việc làm cho gần 100 chị em dân tộc Mông và Dao. Tổ chức Lao động Thế giới cũng phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển nghề thông thôn Việt Nam hỗ trợ xây dựng 5 mô hình nghề thí điểm phục vụ du lịch tại Sa Pa tạo việc làm trực tiếp cho trên 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với sự phá triển du lịch cộng đồng, nhiều loại ẩm thực địa phương cũng dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn tại các nhà hàng như: Thắng cố, Xôi bảy màu, Lạp sườn, Tương ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc; các loại rượu và các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống…Lào Cai đã công nhận 12 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát đồng thời cấp phép cho trên 1000 hộ gia đình có đủ điều kiện được kinh doanh loại hình lưu trú tại gia (homestay) với mức thu nhập bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/hộ/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch cộng đồng Lào Cai trong thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế: thiếu nguồn lực đầu tư phát triển du lịch tại cộng đồng; sản phẩm du lịch cộng đồng còn nghèo nàn và chưa hấp dẫn, các hô hình nghề thủ công truyền thống mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm, chưa được đầu tư nhân rộng; một số hoạt động du lịch đang làm biến dạng văn hóa truyền thống của các dân tộc; vấn đề xử lý rác thải, tại cộng đồng tại các điểm du lịch gây ô nhiễm môi trường và phản cảm đối với du khách; hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng chưa đồng bộ (thiếu bãi đỗ xe, nhà vệ sinh cộng cộng và điểm dừng chân ngắm cảnh và địa điểm giới sản phẩm địa phương, hệ thống biển báo và biển chỉ dẫn du lịch, Nhà du lịch cộng đồng… ; người dân địa phương ít được hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch cộng đồng; công tác quảng bá du lịch cộng đồng còn hạn chế…

Hoàng Thị Vượng