Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010, của Ban Bí thư về “chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, công tác đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tỉnh ủy Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hoạt động chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội. Do đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chống văn hóa phẩm độc hại được nâng cao; các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng bảo tồn, phát huy, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.
Hàng năm, Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó quan tâm bồi dưỡng chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Thanh niên đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là tổ chức các trại hè tại Trung tâm Thanh thiếu niên của tỉnh; bằng nhiều biện pháp, kiên quyết bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ. Cùng với thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng quy ước, hương ước làng bản, từ đó nâng cao ý thức tự giác của các thành viên trong gia đình với việc bài xích, tẩy chay, loại bỏ hủ tục, các sản phẩm văn hóa độc hại trái thuần phong mỹ tục dân tộc. Công tác xây dựng các đề án, đề xuất các chủ trương, giải pháp phát triển văn hóa, nghệ thuật của tỉnh được chú trọng. Công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách – đặc biệt là cơ chế, chính sách về giải thưởng cho các công trình văn hoá, tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc được quan tâm.
Là một tỉnh miền núi có vùng giáp ranh với nhiều tỉnh, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương trong tỉnh, các thế lực thù địch không ngừng tăng cường truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại, lối sống hưởng thụ, làm phai nhạt lý tưởng của bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc,… Xác định rõ điều đó, những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập và Ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ 94 tập trung chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; với tên gọi Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu, hoạt động ″diễn biến hòa bình″ trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa.
Công tác quản lý nhập khẩu, công bố, giới thiệu, truyền bá các sản phẩm văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cơ sở dịch vụ văn hóa được tỉnh đặc biệt chú trọng. Việc cấp giấy phép xuất bản các ấn phẩm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, đảm bảo các bước thẩm định, xem xét trước khi cho phép in ấn, xuất bản. Đồng thời, động viên, khích lệ các văn nghệ sỹ sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị, mang đậm bản sắc văn hóa, con người Hòa Bình; tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong khu vực và thế giới.
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng về xây dựng môi trường văn hóa trong thời kỳ mới; tích cực đấu tranh, phòng chống, đẩy lùi các sản phẩm độc hại, ảnh hưởng xấu tới nhân cách và phát triển xã hội. Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW gắn với thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về văn hóa, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.