Chị Lê Thị Hoài, TX Gò Công, dẫn hai đứa con đang học cấp II đến biển chơi sau khi vừa kết thúc năm học. Chị Hoài chia sẻ: Gia đình tôi vẫn thường đến bãi biển Tân Thành để hai đứa trẻ có không gian chơi đùa với thiên nhiên và cũng là cách để chúng biết thêm về địa lý, về biển quê hương.
Du khách tham gia bắt nghêu ở bãi biển Tân Thành
Bãi biển Tân Thành sở hữu đầy đủ những nét duyên của một bãi biển đẹp, hoang sơ và quyến rũ với du khách. Nếu đến bãi biển vào sáng sớm, du khách có thể đứng trên cây cầu dẫn ra biển dài 300m rất hữu tình để ngắm bình minh vừa lên với những tia nắng sớm chiếu xuống từng chùm hoa muống biển với màu tim tím lung linh các giọt sương ban mai; hoặc ngắm trăng vào những ngày trăng tròn soi bóng xuống mặt nước biển lấp lánh như dát vàng. Anh Chu Minh Trường, ở TP Hồ Chí Minh, lần đầu đến biển Tân Thành rất thích thú với vẻ hoang sơ và không khí trong lành nơi đây, những rẫy dưa hấu xanh mướt bạt ngàn được người dân trồng dọc theo bãi biển. Dưa hấu ở đây còn được gọi là dưa hấu biển được bà con trồng 4 vụ trong năm. Vụ đầu tiên xuống giống từ tháng chạp năm trước, thu hoạch đầu tháng 2 năm sau; vụ thứ hai sẽ xuống giống khi mưa xuống, thu hoạch vào khoảng tháng 6 âm lịch; vụ 3 thu hoạch vào tháng cuối 8 và vụ 4 thu hoạch vào khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch. Dưa hấu biển Gò Công do đặc thù trồng trên đất cát bãi bồi ven biển nên dưa có vị ngọt thanh, vỏ mỏng, ruột đỏ cát được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sau khi tắm biển, ăn hải sản, du khách còn có thể đi thăm khu vực đê biển Gò Công dài 21 km (từ xã Tân Thành đến Vàm Láng), được xây dựng kiên cố và cũng là đường giao thông nằm uốn lượn theo bờ biển, du khách sẽ càng “mãn nhãn” với hệ thống rừng ngập mặn được trồng ngoài bờ đê để bảo vệ nước biển khỏi xâm thực. Hệ thống rừng ngập mặn nơi đây được ngành chức năng bảo vệ nghiêm chặt nên hạn chế được nạn đốn phá rừng để lấy củi đốt. Nhờ vậy, trong rừng ngập mặn này còn có nhiều loài chim, thú đặc trưng miệt biển và lượng thủy hải sản phong phú như ốc hương, sam biển… sống và phát triển. Bên trong đê sẽ là những ruộng lúa, hoa màu tuơi tốt bên cạnh những ngôi nhà tường kiên cố… là thành quả quý báu đạt được của chương trình ngọt hóa Gò Công do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng.
Liên kết phát triển du lịch biển
Cùng với xu thế phát triển du lịch tỉnh nhà và trong khu vực ĐBSCL, lượng khách du lịch đến với biển Gò Công mỗi năm đều tăng. Trên cơ sở đó, để phát huy tiềm năng phong phú, đa dạng của biển Gò Công, huyện Gò Công Đông đang tập trung phát triển du lịch theo mô hình du lịch sinh thái ngập mặn kết hợp với văn hóa lịch sử của vùng đất nổi tiếng vốn được mệnh danh là “tứ linh nhân kiệt” từ xa xưa. Anh Sáu Nghĩa (Lê Văn Nghĩa) khi còn Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) đã rất tâm đắc khi trao đổi về những định hướng để khai thác hết tiềm năng kinh tế biển Gò Công, trong đó có du lịch sinh thái biển kết hợp văn hóa lịch sử địa phương. Lúc đó, anh Sáu Nghĩa đã có ý tưởng phát triển “ngành công nghiệp không khói” là kêu gọi nhiều nhà đầu tư để cùng địa phương khai thác, phát triển tiềm năng du lịch sinh thái biển theo hướng bền vững và đảm bảo đủ các yếu tố “xanh, sạch, an toàn và thân thiện với môi trường”.
Theo đánh giá của UBND huyện Gò Công, hoạt động trật tự khu du lịch tại biển Gò Công được đảm bảo, việc mua bán kinh doanh được sắp xếp ổn định tạo thuận lợi cho du khách đến vui chơi, giải trí. Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành (11,7ha) của Công ty TNHH Vạn Bình An sau khi hoàn thành giai đoạn I đã đưa vào hoạt động, thu hút khá đông lượng khách trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, tham quan, giải trí. Lượng khách du lịch đến huyện trong những tháng đầu năm tăng khá cao nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đã thu hút khoảng 21.000 lượt người. Hiện nay, dự án Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục các hạng mục công trình để thực hiện giai đoạn 2. Các khu du lịch sinh thái ở biển Gò Công khi được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sẽ gắn với các tour du lịch đến các di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia (Lăng mộ Hoàng Gia, Đốc Phủ Hải, Trương Định…) hoặc tham quan các làng nghề truyền thống (làng nghề tủ thờ Gò Công, cơ sở sản xuất món ăn tiến cung nổi tiếng – món mắm tôm chà Gò Công)…
Trong tương lai, các tour du lịch đến với biển Gò Công còn có thể kết nối với mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở huyện Tân Phú Đông, địa phương tiếp giáp biển Gò Công. Ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông, cho biết: Huyện Tân Phú Đông đang tập trung xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh cùng cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho việc phát huy tiềm năng du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng ở địa phương. Được biết, vào năm 2013, tỉnh đã có chủ trương đầu tư 1.600 tỉ đồng để kiện toàn cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại cồn Cống và cồn Ngang của huyện Tân Phú Đông. Đây là hai cồn nằm ven cửa Tiểu trên sông Tiền tiếp giáp với biển Đông có những điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái. Cồn Ngang nằm cách biển Tân Thành không xa có hình vòng cung với hai đầu là hai bãi cát lớn, hiện đang được đầu tư xây dựng khu du lịch với nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng, tắm nắng… Khu du lịch Cồn Ngang rộng 150 ha do Công ty Cổ phần Thương mại Kinh Thành đầu tư 1.300 tỉ đồng, còn khu du lịch cồn Cống có diện tích 100 ha do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lợi Đạt đầu tư với nguồn vốn 300 tỉ đồng.
Trong tương lai, để trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái quan trọng trong tỉnh nói riêng và Nam bộ nói chung, huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông cần tập trung khai thác tiềm năng của biển Gò Công cùng hệ sinh thái ngập mặn ven biển, truyền thống lịch sử, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nông – lâm nghiệp… để tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng, có tính hấp dẫn cao. Với đầy đủ những yếu tố tiềm năng và điều kiện đặc trưng hiếm có của mình, tin tưởng rằng biển Gò Công sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đầy triển vọng với những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần giúp các huyện ven biển Gò Công phát triển bền vững trong tương lai./.
CầnThơ Online