GIÁO TRÌNH ĐỊA LÝ DU LỊCH VIỆT NAM NGƯỜI BIÊN SOẠN TS. Phan Thành Vĩnh HCM – 2009 1 MỤC LỤC Phần I CƠ SỞ ĐỊA LÝ DU LỊCH Chương 1 NHẬP MÔN DU LỊCH VÀ ĐỊA LÝ DU LỊCH 1.1. KHÁI NIỆM, CHỨC NĂNG, Ý NGHĨA CỦA DU LỊCH 1.1.1. Một số khái niệm 1.1.2. Các chức năng của du lịch: 1.1.3. Ý nghĩa kinh tế-xã hội của du lịch: 1.2. ĐỊNH NGHĨA, ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ DU LỊCH 1.2.1. Định nghĩa địa lý du lịch 1.2.2. Đối tượng nghiên cứu địa lý du lịch 1.2.3. Nhiệm vụ: 1.2.4.. Phương pháp nghiên cứu CHƯƠNG 2: CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH 2.1. TÀI NGUYÊN DU LỊCH 2.1.1. Các khái niệm tài nguyên 2.1.3. Các loại tài nguyên du lịch: A. TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỰ NHIÊN 1. Khái niệm 2. Các thành phần của tự nhiên 3. Các tổ hợp tự nhiên: B. TÀI NGUYÊN DU LỊCH NHÂN VĂN 1. Khái niệm: 2. Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể 3. Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể 2 2.2. CÁC NHÂN TỐ KHÁC 2.2.1. Dân cư và lao động 2.2.2. Sự bùng nổ khoa học kỹ thuật và phát triển của các ngành kinh tế 2.2.3. Nhu cầu nghỉ ngơi du lịch: 2.2.4. Thời gian rỗi: 2.2.5. Các nhân tố chính trị, chính sách 2.2.6. Cơ quan điều khiển và lực lượng lao động du lịch: 2.2.7. Các hoạt động marketing du lịch: 2.3. CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ ĐIỀU KIỆN VẬT CHÂT KỸ THUẬT 2.3.1. Cơ sở hạ tầng: 2.3.2. Điều kiện vật chất kỹ thuật du lịch: Chương 3 LỊCH SỬ, TÌNH HÌNH VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH 3.1. SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRÊN THẾ GiỚI 3.1.1. Thời kỳ cổ đại 3.1.2. Thời kỳ trung đại 3.1.3. Thời kỳ cận đại 3.1.4. Xu hướng phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay 3.2. SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM 3.2.1.Quá trình hình thành: 3.2.2.Tình hình hoạt động: Chương 4 TỔ CHỨC LÃNH THỔ DU LỊCH 4.1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN 4.1.1. Quan niệm tổ chức lãnh thổ du lịch 4.1.2. Các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch 4.2. HỆ THỐNG PHÂN VỊ TRONG PHÂN VÙNG DU LỊCH 4.2.1.Điểm du lịch 4.2.2.Trung tâm du lịch 3 4.2.3. Tiểu vùng du lịch 4.2.4. Á vùng du lịch 4.2.5. Vùng du lịch 4.3. HỆ THỐNG CHỈ TIÊU TRONG PHÂN VÙNG DU LỊCH: 4.3.1. Tài nguyên: 4.3.2. Cơ sở hạ tầng và cơ sở VCKT kèm theo đội ngũ CBCNV 4.3.3. Trung tâm tạo vùng: 4.4. PHƯƠNG PHÁP PHÂN VÙNG: 4.4.1. Các phương pháp thường dùng: 4.4.2. Xác định ranh giới vùng du lịch 4.5. HỆ THỐNG CÁC VÙNG DU LỊCH CỦA VIỆT NAM 4.5.1. Vùng du lịch Bắc Bộ 4.5.2. Vùng du lịch Bắc Trung Bộ 4.5.3. Vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ Chương 5 VÙNG DU LỊCH BẮC BỘ 5.1. KHÁI QUÁT 5.1.1. Giới hạn: 5.1.2. Diện tích, dân số: 5.2. TÀI NGUYÊN DU LỊCH 5.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên 5.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn 5.2.2.1. Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể: 5.2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể: 5.3. CƠ SỞ HẠ TẦNG 5.3.1. Hệ thống giao thông: 5.3.2. Hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc: 5.4. CƠ SỞ VẬT CHẤT-KỸ THUẬT DU LỊCH 5.5. SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG VÀ ĐỊA BÀN DU LỊCH CHỦ YẾU 4 5.5.1. Sản phẩm du lịch 5.5.2. Các tuyến, điểm du lịch có ý nghĩa quốc tê và quốc gia 5.5.3.Các tuyến du lịch chủ yếu 5.5.3.Các điểm du lịch thuộc tiểu vùng trung tâm: 5.5.3. Các điểm du lịch thuộc tiểu vùng duyên hải Đông Bắc 5.5.4. Các điểm du lịch thuộc tiểu vùng miền núi Đông Bắc 5.5.5. Các điểm du lịch thuộc tiểu vùng miền núi Tây Bắc 5.5.6. Các điểm du lịch thuộc tiểu vùng phía nam Bắc Bộ CHƯƠNG 6 VÙNG DU LỊCH BẮC TRUNG BỘ 6.1. KHÁI QUÁT 6.1.1. Giới hạn 6.1.2. Diện tích, dân số so với cả nước: 6.2. TÀI NGUYÊN DU LỊCH 6.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên 6.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn 6.2.2.1. Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể: 6.2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể 6.3. CƠ SỞ HẠ TẦNG 6.4. CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT PHỤC VỤ DU LỊCH 6.5. SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG VÀ ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU 6.5.1. Sản phẩm du lịch 6.5.2. Các địa bàn du lịch chủ yếu 6.6. CÁC TUYẾN, ĐIỂM DU LỊCH 6.6.1. Các tuyến du lịch 6.6.2. Các điểm du lịch ở tiểu vùng phía bắc: 6.6.3. Các điểm du lịch ở tiểu vùng phía nam: CHƯƠNG 7 VÙNG DU LỊCH NAM TRUNG BỘ VÀ NAM BỘ 5 7.1. KHÁI QUÁT 7.1.1. Giới hạn 7.1.2. Diện tích, dân số 7.2. TIỀM NĂNG DU LỊCH 7.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên 7.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn 7.3. CƠ SỞ HẠ TẦNG, CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT DU LỊCH 7.3.1. Cơ sở hạ tầng 7.3.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch 7.4. CÁC SẢN PHẨM VÀ ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH CHỦ YẾU 7.4.1. Các sản phẩm du lịch đặc trưng 7.4.2. Các địa bàn du lịch chủ yếu 7.5. CÁC TUYẾN, ĐIỂM DU LỊCH 7.5.1. Các tuyến du lịch từ TP. Hồ Chí Minh 7.5.2. Các điểm du lịch tiểu vùng duyên hải Nam Trung Bộ 7.5.3. Các điểm du lịch tiểu vùng Tây Nguyên 7.5.4. Các điểm du lịch tiểu vùng Đông Nam Bộ 7.5.5. Các điểm du lịch tiểu vùng Tây Nam Bộ 6 Phần I CƠ SỞ ĐỊA LÝ DU LỊCH Chương 1 NHẬP MÔN DU LỊCH VÀ ĐỊA LÝ DU LỊCH 1.1. KHÁI NIỆM, CHỨC NĂNG, Ý NGHĨA CỦA DU LỊCH 1.1.1. Một số khái niệm: Du lịch Hiện nay thuật ngữ du lịch trở nên rất thông dụng, nó bắt nguồn từ tiếng Hy lạp, với ý nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được la tinh hoá thành tornus và sau đó thành touriste (tiếng Pháp), tourism (tiếng Anh). Trong tiếng Việt, thuật ngữ du lịch được dịch thông qua tiếng Hán. Du nghĩa là đi chơi, lịch có nghĩa là từng trải. Trước kia du lịch được hiểu là việc đi lại của từng cá nhân hoặc một nhóm người rời khỏi chỗ ở của mình trong thời gian ngắn để đến các vùng xung quanh nghỉ ngơi, giải trí hay chữa bệnh. Càng ngày số lượng người đi du lịch nhiều hơn, khoảng cách xa hơn, thời gian kéo dài hơn. Lúc này du lịch mang tính nhận thức và trở thành hiện tượng thường xuyên, phổ biến. Để thoả mãn các nhu cầu của con người trong chuyến du lịch như giao thông, lưu trú, ăn uống, đồ lưu niệm và nhiều mặt hàng, dịch vụ khác… đòi hỏi nhiều hoạt động kinh tế – xã hội gắn liền với nó. Vì thế khái niệm du lịch có nhiều cách hiểu khác nhau tuỳ theo cách tiếp cận, có nhà nghiên cứu cho rằng hầu như mỗi tác giả nhiên cứu du lịch đều đưa ra một định nghĩa cho riêng mình, theo thời gian nội dung khái niệm càng rộng hơn. Ngày nay người ta đã thống nhất rằng về cơ bản tất cả các hoạt động di chuyển của con người ở trong hay ngoài nước trừ việc đi cư trú chính trị, tìm việc làm, xâm lược… thì đều mang ý nghĩa du lịch. 7 Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường sử dụng định nghĩa du lịch của nhà khoa học người Belarus- Pirojnik đưa ra năm 1985 : Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi, liên quan tới sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức văn hoá hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hoá. Luật du lịch VN năm 2005 định nghĩa: Du lịch là những hoạt động liên quan đến chuyến đi của con người ra ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng một khoảng thời gian nhất định. Từ hai định nghĩa trên chúng ta thấy khái niệm du lịch có nội hàm kép: 1. Du lịch mang ý nghĩa truyền thống của từ: Sự di chuyển của con người ra ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình đến một nơi xa lạ, nhằm nghỉ ngơi, giải trí, thỏa mãn những nhu cầu to lớn về mặt tinh thần Nội hàm này chỉ mới giải thích được hiện tượng đi du lịch, tuy nhiên đây là cũng là khái niệm cơ sở để xác định khách du lịch, một yếu tố quan trọng để hình thành cầu du lịch, Một mặt do mức sống người dân nâng cao, giá cả dịch vụ rẻ hơn, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như lưu trú, vận chuyển ngày càng thuận tiện và thoải mái hơn, thời gian nhàn rỗi nhiều hơn, giáo dục phát triển. Mặt khác do sự gia tăng ô nhiễm các thành phố, khu công nghiệp, đã kích thích du lịch phát triển, số lượng du khách càng ngày càng tăng nhanh, thành phần du khách được xã hội hoá, địa bàn du lịch được mở rộng và thời vụ du lịch được kéo dài. Để phục vụ các nhu cầu của khách du lịch xuất hiện nhiều hoạt động kinh tế-xã hội gắn liền với nó. 2. Du lịch mang ý nghĩa của những hoạt động kinh tế: 8 – Ngành kinh tế được hình thành nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch trong thời gian rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của họ, đó là ngành kinh tế du lịch, bao gồm các lĩnh vực phục vụ nhu cầu của khách: + Vận chuyển + Lữ hành + Lưu trú + Ăn uống + Giải trí + Mua sắm… Theo người Trung Quốc có 5 yếu tố: thực, trú, hành, lạc, y. Khách du lịch (tourist): Là những người đi du lịch hoặc kết hợp du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề… để nhận thu nhập nơi đến Trên cái nhìn của địa phương đón khách, du khách là người từ nơi khác đến vào thời gian rảnh rỗi của họ với mục đích thỏa mãn các nhu cầu: – Nâng cao hiểu biết – Phục hồi sức khỏe – Xây dựng, tăng cường tình cảm của con người với nhau hoặc với thiên nhiên – Thư giãn, giải trí…kèm theo việc tiêu thụ những giá trị tinh thần và vật chất Những người đi công tác, tìm kiếm cơ hội làm ăn, hội họp…cũng được coi là du khách. Nhiều tác giả cho rằng muốn trở thành khách du lịch thì người đó phải rời nhà hơn 24 tiêng đồng hồ để phân biệt với khách tham quan trong ngày và dưới một năm để phân biệt với những người đi định cư. Có người cho rằng khoảng cách từ nơi cư trú thường xuyên tới địa điểm du lịch phải trên 50 dặm. 9 Sản phẩm du lịch: Sản phẩm du lịch là: + Một tổng thể bao gồm các thành phần không đồng nhất, hữu hình và vô hình, vật chất và dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Như vậy sản phẩm du lịch là tổng hợp những dịch vụ và phương tiện vật chất, tài nguyên du lịch. Có thể tóm tắt sản phẩm du lịch bằng công thức sau: SẢN PHẨM DU LỊCH = TÀI NGUYÊN DU LỊCH+CÁC DỊCH VỤ VÀ HÀNG HOÁ DU LỊCH Sản phẩm du lịch có những đặc trưng sau: – Nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng đặc biệt (thưởng thức, tìm hiểu, thư giản…) – Nói chung là không cụ thể – Khoảng thời gian mua sản phẩm và khi nhìn thấy thấy, sử dụng sản phẩm cách xa nhau – Sản phẩm du lịch hình thành do sự tổng hợp các ngành kinh doanh khác nhau – Sản phẩm du lịch thường là một kinh nghiệm nên dễ bắt chước – Sản phẩm du lịch nói chung là không thể để tồn kho, thường được sản xuất và tiêu thụ đồng thời. – Trong thời gian ngắn, lượng cung sản phẩm du lịch cố định, nhưng lượng cầu của khách có thể gia tăng hoặc giảm sút – Khách mua sản phẩm du lịch ít trung thành hoặc không trung thành với công ty bán sản phẩm – Nhu cầu của khách đối với sản phẩm du lịch dễ bị thay đổi vì sự giao động về tiền tệ, chính trị – Sản phẩm du lịch mang tính thời vụ 1.1. 2. Các chức năng của du lịch: Du lịch có 4 chức năng cơ bản sau: 10 Chức năng xã hội: – Giữ gìn, phục hồi sức khoẻ và tăng cường sức sống cho người dân – Hạn chế bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và khả năng lao động của con người – Tạo việc làm, nâng cao mức sống – Tăng thêm tình đoàn kết cộng đồng – Trau dồi, bổ sung kiến thức, làm cho đời sống văn hoá tinh thần trở nên phong phú hơn Chức năng xã hội của du lịch góp phần hình thành nhân cách cá nhân cua khách du lịch. Chức năng kinh tế: – Ngoài vai trò hỗ trợ, du lịch trở thành ngành kinh tế thực sự, động lực thúc đẩy tất cả vùng và ngành kinh tế phát triển – Từ 1950 đến 2005 doanh thu của ngành kinh tế du lịch thế giới tăng 325 lần, đạt 680 tỷ USD, trong đó Mỹ 82 tỷ, Pháp 42 tỷ, Trung Quốc 29 tỷ… và VN 3,5 tỷ USD. Năm 2005, khi phân tích hoạt động du lịch và lữ hành, Hội đồng Du lịch và Lữ hànhThế giới (WTTC) đã công bố Báo cáo Dự báo du lịch cho 174 nước tại Hội nghị cấp cao về du lịch và lữ hành toàn cầu lần thứ V họp ở New Dehli – Ấn Độ: 10 quốc gia tăng trưởng du lịch mạnh nhất là: 1. Montenegro (9,9%) 2. Trung Quốc (9,2%) 3. Ấn Độ (8,6%) 4. Reunion (8,3%) 5. Croatia (7,8%) 6. Sudan (7,7%) 7. Việt Nam (7,7%) 8. Lào (7,6%) 9. Cộng hòa Séc (7,5%) 10. Guadeloupe (7,2%). Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của du lịch và lữ hành thế giới từ 2006 – 2023 là 4,6% với doanh số dự kiến đạt 6.201tỷ USD, tương đương 10,6% tổng GDP toàn cầu. Việt Nam coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, hiện có khoảng 850.000 lao động, 250.000 lao động trực tiếp (0.41%) và mang lại 4% GDP. 11 Như vậy, ngành du lịch của Việt Nam cũng được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng 7,7%, cao thứ bảy thế giới. Theo quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, cần phải đáp ứng yêu cầu đón tiếp khoảng 9 triệu du khách quốc tế và 25 triệu du khách nội địa vào năm 2010. Tuy nhiên trong tình hình khủng hoảng tài chính thế giới như hiện nay thì chỉ tiêu trên không thể trở thành hiện thực. Chức năng chính trị: – Du lịch góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho du khách. Tạo điều kiện cho các nền văn hoá có điều kiện hoà nhập với nhau, nó trở thành cầu nối hoà bình giữa các dân tộc. Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ nhất về hoà bình thông qua du lịch đã phê chuẩn tuyên bố Amman (Jordan), tháng 11/2000, khẳng định du lịch là ngành công nghiệp hoà bình của thế giới. Nhân ngày Du lịch Thế giới 27/9 hàng năm, Liên Hợp quốc đã đề ra những các chủ đề khác nhau, cổ vũ cho hoạt động du lịch vì mục đích hoà bình: ” Du lịch là giấy thông hành của hoà bình” (1967) ” Du lịch không phải là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người” (1983) Chức năng bảo vệ môi trường nhân văn và sinh thái: Du lịch tạo điều kiện tối ưu hoá quá trình sử dụng các di tích văn hoá lịch sử, các tài nguyên du lịch tự nhiên. Nhờ có các khoản thu từ du lịch, mỗi nước, từng vùng có điều kiện tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá, môi trường sinh thái…để phục vụ du lịch. Ngoài ra du lịch còn góp phần hình thành cho khách thói quen về bảo vệ môi trường nhân văn và sinh thái cho khách. 1.1.3. Ý nghĩa kinh tế-xã hội của du lịch: Du lịch kích thích các ngành kinh tế liên quan phát triển, không những về số lượng, mà còn đòi hỏi cao về chất lượng và thẩm mỹ của sản phẩm. 12 Du lịch làm thay đổi các cân thu chi ngoại tệ và tạo điều kiện đưa đồng tiền nội địa tồn đọng trong dân cư vào vòng chu chuyển tài chính Hoạt động du lịch làm tăng thu nhập quốc dân, các nước có nền du lịch hoạt động tốt, tỷ trọng GDP ngành du lịch có thể lên tới 20% GDP quốc dân. Du lịch là ngành xuất khẩu lao động tại chổ, tạo công ăn việc làm, tận dụng được lao động nhàn rỗi với thu nhập cao. Du lịch cũng là ngành “ngoại thương”, bán hàng hoá, dịch vụ cho khách nước ngoài tại chổ, mà phần lớn là những loại hàng hoá khó xuất khẩu, không gặp rủi ro như trong quá trình xuất khẩu. Ngoài ra người sản xuất hưởng lợi nhiều hơn khi xuất khẩu theo con đường ngoại thương, người tiêu dùng mua với giá rẻ hơn, nên kích thích sản xuất và tiêu dùng. Du lịch còn tạo điều kiện quảng cáo hình ảnh của quốc gia dân tộc Đối với nước có người đi du lịch sẽ tăng thêm khả năng lao động: sức khoẻ, tư tưởng sáng tạo, thẩm mỹ, kinh nghiệm làm việc… 1.2. ĐỊNH NGHĨA, ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ DU LỊCH 1.2.1. Địa lý du lịch là: – Ngành khoa học nghiên cứu hệ thống lãnh thổ nghỉ ngơi du lịch – Phát hiện quy luật hình thành, phát triển và phân bố của nó thuộc mọi kiểu, mọi cấp – Dự báo và nêu lên các biện pháp để hệ thống ấy hoạt động một cách tối ưu. – Liên kết về mặt không gian của các đối tượng du lịch, các cơ sở phục vụ có liên quan, để khai thác những lợi thế cho hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao. Vì vậy hoạt động du lịch muốn đạt được hiệu quả kinh tế cao, cần có sự nghiên cứu Địa lý du lịch. 1.2.2. Đối tượng nghiên cứu địa lý du lịch: Địa lý du lịch hình thành từ những năm 1930, đối tượng nghiên cứu là hệ thống lãnh thổ nghỉ ngơi du lịch, gồm các phân hệ sau: 13 – Phân hệ khách – Phân hệ tài nguyên – Phân hệ công trình kỹ thuật – Phân hệ cán bộ phục vụ – Phân hệ cơ quan điều khiển 1.2.3. Nhiệm vụ: – Nghiên cứu tổng hợp mọi loại tài nguyên du lịch, sự kết hợp của chúng theo lãnh thổ và đề xuất phương hướng sử dụng chúng – Nghiên cứu nhu cầu du lịch phụ thuộc vào đặc điểm xã hội-nhân khẩu của dân cư – Xác định cơ cấu lãnh thổ tối ưu của vùng du lịch. 1.2.4.. Phương pháp nghiên cứu: – Phương pháp tiếp cận và phân tích hệ thống – Phương pháp nghiên cứu thực địa – Phương pháp bản đồ – Phương pháp phân tích toán học – Phương pháp xã hội học – Các phương pháp khác như thu thập và xử lý thông tin, viễn thám… 14 CHƯƠNG 2: CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH 2.1. TÀI NGUYÊN DU LỊCH 2.1.1. Các khái niệm tài nguyên Tài nguyên thiên nhiên: Theo nghĩa rộng bao gồm nguyên liệu, năng lượng và thông tin trên trái đất và trong không gian vũ trụ, mà con người có thể sử dụng để phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình Tài nguyên thiên nhiên phụ thuôc vào trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ phát hiện và sử dụng của con người. Tài nguyên nhân tạo: Gồm những giá trị vật chất và phi vật chất, do con người sáng tạo ra trong lịch sử phát triển, có thể sử dụng để phục vụ cho sản xuất và cuộc sống. Tài nguyên du lịch: Là dạng đặc sắc của 2 loại tài nguyên trên. Luật du lịch VN năm 2005 định nghĩa: ” Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên,di tích lịch sử văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch…” 2.1.2. Đặc điểm chung của tài nguyên du lịch: Tài nguyên du lịch không đồng nhất với điều kiện tự nhiên và tiền đề văn hóa-lịch sử, là phạm trù lịch sử, phạm trù động và có những đặc điểm chung sau: – Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc và độc đáo có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch – Tài nguyên du lịch không chỉ có giá trị hữu hình mà còn có những giá trị vô hình 15 – Tài nguyên du lịch có thời gian khai thác khác nhau, tạo nên tính mùa trong du lịch. – Tài nguyên du lịch được khai thác tại chổ, nên có sức hút cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và khách du lịch tới nơi tập trung các tài nguyên đó. – Tài nguyên du lịch có thể tái tạo, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên, nếu sử dụng kết hợp với bảo vệ hợp lý. – Tài nguyên du lịch là dạng đặc biêt, rất nhạy cảm với những tác động bên ngoài, cho nên đòi hỏi được bảo vệ ở mức cao nhất 2.1.3. Các loại tài nguyên du lịch: Có thể phân làm 2 nhóm: – Tài nguyên du lịch tự nhiên – Tài nguyên du lịch nhân văn A. TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỰ NHIÊN 1. Khái niệm Tài nguyên du lịch tự nhiên là các yếu tố, các hiện tượng tự nhiên, thành phần và các thể tổng hợp tự nhiên… trực tiếp hoặc gián tiếp được khai thác sử dụng để tạo ra các sản phẩm du lịch. Luật du lịch Việt Nam năm 2005 định nghĩa: “Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên đang được khai thác hoặc có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch” Giá trị cao nhất của tài nguyên du lịch tự nhiên là các di sản thiên nhiên thế giới. Hiện nay trên thế giới có 174 di sản thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long và VQG Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam nằm trong số này. Ngoài ra chúng ta còn đề nghị UNESCO công nhận VQG Cúc Phương, VQG Ba Bể, VQG Cát Tiên… là di sản thiên nhiên thế giới, nhưng chưa được công nhận. 2. Các thành phần của tự nhiên 16 Địa chất, địa hình, địa mạo Lịch sử phát triển của địa chất, các vận động địa chất kiến tạo trong quá khứ, hiện tại và tương lai, quá trình địa chất, địa mạo của một vùng, cấu tạo và phân bố các lớp đá, các điểm nước khoáng và chất lượng của chúng, đó là tài nguyên du lịch. Những mẫu tiêu biểu cho các quá trình địa chất trên thế giới được công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới, trong đó vịnh Hạ Long (2000) và Phong Nha-Kẻ Bàng (2003) Đặc điểm hình thái và các dạng đặc biệt của địa hình góp phần tạo nên vẽ đẹp và sự đa dạng của cảnh quan du lịch, tạo nên sự hấp dẫn đối với khách du lịch. Địa hình càng đa dạng, tương phản và độc đáo thì sức hấp dẫn càng cao. Thông thường có các dạng địa hình sau: miền núi, vùng đồi, núi và đồng bằng. – Miền núi: Địa hình miền núi có ý nghĩa lớn nhất đối với du lịch vì: + Do địa hình chia cắt, tạo nên sự tương phản cho nên miền núi có nhiều phong cảnh đẹp và đa dạng + Khí hậu mát mẻ, do chịu tác động của quy luật giảm nhiệt độ theo độ cao + Nhiều suối, thác nước, hang động + Miền núi là nơi sinh sống nhiều sinh vật hoang dã, tập trung nhiều vườn quốc gia, có tính đa dạng sinh học cao. Mặt khác đây là nơi sinh sống của các các dân tộc ít người với nền văn hoá bản địa phong phú và đa dạng, rất thích hợp để tổ chức loại hình du lịch sinh thái. + Địa hình, khí hậu, động-thực vật tạo nên tài nguyên du lịch tổng hợp, có thể tổ chức nhiều thể loại du lịch ngắn và dài ngày khác nhau. Ở các nước ôn đới trên núi cao 1500-2000m thường có nhiều băng tuyết, phong cảnh đẹp, tạo thành những trung tâm thể thao mùa đông như trên dãy Alps, Pyrenee…, núi cao hơn nữa thì có thể tổ chức các loại du lịch leo núi mạo hiểm như Everest, Fansipan. Ở VN nhiều khu vực núi có độ cao khoảng 1500m, từ cuối TK XIX đầu TK XX đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng: Mẫu sơn, Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, 17 Bạch Mã, Đà Lạt…. Người pháp đã xây dựng khu an dưỡng, nghỉ mát vào mùa hè. Theo các nhà nghiên cứu du lịch, do tính phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch ở địa hình núi, nên trong tương lai miền núi sẽ trở thành khu vực thu hút nhiều khách du lịch nhất – Đồng bằng: + Địa hình đơn điệu, tuy nhiên kết hợp với sông, hồ, ao, kênh rạch, tài nguyên sinh vật nuôi trồng cũng tạo nên những phong cảnh đồng quê yên ả, nên thơ, đó là tài nguyên du lịch. Đồng bằng Tây Nam Bộ có cảnh quan thuộc loại này. Ngoài ra địa hình đồng bằng còn thuận lợi cho việc cư trú của con người từ lâu, vì vậy ở đây có nhiều di tích văn hóa-lịch sử, nhiều đô thị, cho nên cũng là nơi thu hút nhiều du khách, đặc biệt là đối với loại hình du lịch văn hoá, du lịch sinh thái ngắn ngày hoặc cuối tuần. – Vùng đồi: Địa hình vùng đồi ít chia cắt, không bị lũ lụt như đồng bằng, nên thường là nơi cư trú của người xưa, vì vậy khu vực này tập trung nhiều di tích khảo cổ như ở Sơn Vi, Lâm Thao, Phong Châu (Phú Thọ), Đồng Nai. Mặt khác khu vực đồi thường có nhiều tài nguyên văn hóa độc đáo..cho nên thuận lợi cho tham quan, nghiên cứu, cắm trại. Các dạng địa hình đặc biệt: – Địa hình Karst: Là địa hình được hình thành hoà tan của nước mặt và nước ngầm đối với các loại đá dễ hòa tan như đá vôi, đá muối, đô lô mit… Địa hình này gồm có những loại sau: Hang động: Do đặc điểm hoà tan và kết tủa của đá vôi trong nước nên đã hình thành nhiều hang động đá vôi tạo thành những thạch nhũ có vẽ đẹp lộng lẩy, tráng lệ. 18 Ở trên thế giới hiện nay có khoảng 650-700 hang động đang được ngành du lịch khai thác. Ở VN diện tích đá vôi khoảng 50.000km2 (15% diện tích cả nước), nên có nhiều hang động, phân bố chủ yếu từ Quảng Bình trở ra phía bắc. Hang động nước ta tuy không sâu, không dài, nhưng phong cảnh rất đẹp như: Động Phong Nha-Quảng Bình, động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn), Bích động, Địch Lộng (Ninh Bình), Hương Tích (Hà Tây), Hang Bồ Nâu, hang Luồn (Quảng Ninh), động Puông, động Tiên (Bắc Cạn)…. Địa hình Karst ngập nước: như địa hình ở vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Cát Bà, vùng biển Hà Tiên… Địa hình Karst khô: như địa hình ở Ninh Bình Địa hình Karst là tải nguyên để phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu, thám hiểm hang động – Địa hình bờ biển, biển đảo: Địa hình ven biển có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch, có thể khai thác để phát triển nhiều loại hình du lịch như tham quan, nghỉ mát, tắm biển, thể thao dưới nước, tham quan hệ sinh thái đảo ven bờ…, hiện nay số du khách du lịch đi nghỉ ở bờ biển nhiều nhất, theo WTO có hơn 70% du khách thích đi du lịch biển.. Một bãi biển được coi là thuận lợi cho phát triển du lịch cần bao gồm những tiêu chí như: bãi biển dài, rộng, độ mịn của cát, bằng phẳng với độ dốc 13o, độ mặn 25-40‰, độ trong, độ sâu của nước <1,5m, cảnh quan đẹp …. Ngoài ra giá trị của bãi biển cần gắn liền các yếu tố khí hậu như nhiệt độ, lượng mưa, số ngày mưa… Ngoài ra bãi biển càng gần thành phố lớn thì càng thu hút du khách VN có chiều dài bờ biển 3260 km với nhiều cảnh quan đẹp và có 300 bãi biển có thể khai thác du lịch, trong đó những bãi tắm nổi tiếng từ Bắc chí Nam: Bãi biển Trà Cổ, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Đồ Sơn, (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Cửa Tùng (Quảng Trị), Thuận An (Thừa Thiên-Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Nha Trang, Vũng Tàu… 19 Những bãi tắm từ Đà Nẵng vào nam, nhất là những bãi biển liên lục từ Đại Lãnh đến Nha Trang, khí hậu ấm quanh năm, có thể khai thác du lịch 10 tháng trong năm. VN còn có nhiều vịnh đẹp như vịnh Hạ Long, vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh. Trên biển Đông và vịnh Thái Lan thuôc nước ta có khoảng 3000 hòn đảo, một số hòn đảo lớn như Cát Bà, Côn Đảo, Phú Quốc…, có cảnh quan đẹp, đa dạng sinh học cao, những điều kiện quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Cảnh quan biển đảo là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. – Các di tích tự nhiên: Hoạt động kiến tạo và địa chất đã tạo nên những di tích tự nhiên lạ lùng, có giá trị thẩm mỹ cao và được con người lại thêu dệt thêm cho chúng những huyền thoại để giải thích nguyên nhân hình thành, do đó chúng trở thành những điểm du lịch nổi tiếng như hòn Chồng (Nha Trang), Hòn Trống Mái (Thanh Hoá), Hòn Gà Chọi (vịnh Hạ Long), giếng Giải Oan (Chùa Hương). Khí hậu Khí hậu rất quan trọng trong hoạt động du lịch, nó là một nhân tố quyết định mức hấp dẫn của địa bàn đối với khách du lịch, là nguyên nhân chính làm nên tính mùa trong du lịch. Các hiện tượng thời tiết đặc biệt: bão, gió mùa, gió phơn (foehn), lũ lụt, mùa mưa…ảnh hưởng xấu đến hoạt động du lịch. Tài nguyên khí hậu phục vụ du lịch là tổng hợp các yếu tố: nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, gió, ánh nắng mặt trời… Các nhà khí hâu học đã xây dựng các chỉ tiêu khí hậu sinh học để xác định mức độ thích nghi của khí hậu đối với con người . Dựa trên các chỉ tiêu này ngành du lịch khai thác tài nguyên khí hậu từng vùng cho du lịch cho từng loại hình du lịch nhất định.. Nói chung những điểm du lịch có khí hậu ôn hoà, không quá nóng, quá lạnh, quá ẩm, quá khô hay quá nhiều gió…thường thu hút được nhiều khách du lịch. Tuy nhiên mỗi loại du lịch đòi hỏi khí hậu khác nhau. 20